Tôi nghĩ gì khi tôi nghĩ về tiếng Việt?

Chiều ở Là Việt, viết về tiếng Việt

Tôi nghĩ cách một người sử dụng tiếng Việt nói lên rất nhiều về việc họ yêu thương và trân trọng tiếng Việt bao nhiêu.

Chuyện bắt đầu từ bữa tôi nhắn cho Laica, nhờ xem qua giúp một khoá học AI & Machine Learning kiếm được trên mạng.

“Ủa dạy một năm à? Là 52 tuần?”, Laica có chút ngạc nhiên nhẹ. Có vẻ vì lướt vội qua thiết kế chương trình với nhiêu đó kiến thức và dự án phải truyền tải nên ban đầu anh tưởng khoá học chỉ kéo dài vài tháng. Cũng không gì đặc biệt, chỉ là tôi âm thầm cũng có một sự ngạc nhiên thầm kín đáp lại Laica, khi anh nói “52 tuần”. Lâu rồi tôi không nghe ai dùng “52 tuần” để miêu tả thời gian của một năm. Còn đối với dân chuyên đi học như tụi tôi, thì “một năm” thường là “một năm học”, tức là “academic year”, và thường sẽ kéo dài 9 tháng, thay vì tròn 52 tuần.

Ngày hôm đó chúng tôi không trò chuyện dài hơi, chủ yếu chỉ thảo luận phương án nào là thích hợp nhất nếu tôi muốn đi đường dài về nghiên cứu hay để phục vụ cho việc chuyển ngành. Nhưng chỉ bấy nhiêu đó thông tin và trong ít phút ngắn ngủi cũng đủ để tôi nhận thấy một việc: Laica sử dụng gần như 100% là tiếng Việt, ý tôi là trừ một hai từ chuyên ngành quá đặc thù không cách nào dịch được từ tiếng Anh, thì những chữ đơn giản khác mà người Việt vẫn quen xài bằng tiếng Anh, Laica đều dịch sạch sẽ ra tiếng Việt. “52 tuần” là một ví dụ điển hình. Và điều này đấm một phát ấn tượng rất mạnh vào tâm trí tôi tới tận bây giờ.

Một hai ngày sau, tôi nhắn cho anh Việt, cùng với nội dung như nhắn cho Laica. Tôi nghĩ nghe ý kiến của 2 người có chuyên môn sẽ cho mình cái nhìn rộng hơn. Sau đó anh Việt nói: “Học cái đó cho có nền đi. Rồi anh gửi mấy cái chương trình tiếng Anh. Học từ bên này ngữ cảnh sẽ tốt hơn.” Thành thật mà nói nếu là để tôi nói nguyên văn lời của anh Việt, chắc tôi đã thuận miệng dùng “context” thay vì “ngữ cảnh” rồi.

Và cũng là đêm hôm đó, do lỡ uống một cốc cà phê 2 gói pha với siêu ít sữa đặc tầm 3g chiều mà tới gần 3g sáng não tôi vẫn nhảy tưng tưng. Vậy là tôi tiếp tục luyên thuyên mấy chuyện tào lao với anh Việt.

“Lúc đó em đang lên content về Starbucks. Trong lúc search hình ảnh tìm ý tưởng…”

“Rồi em làm được nội dung chưa?”

Đấy, lại nữa rồi! “Content” = “Nội dung”. Sao thế nhỉ? Anh Việt với Laica, hai cái người này…

Tôi không biết nữa. Nhưng giây phút anh Việt hỏi câu đấy, có gì như châm thẳng vào tình cảm tôi dành cho ngôn ngữ, kích hoạt tối đa mọi dây thần kinh phấn khích. Hàng loạt cảm xúc không thể gọi tên trào ra ồ ạt, vây kín tâm trí và toàn bộ giác quan. Một nỗi sung sướng tột cùng bỗng thăng hoa chạm đỉnh cứ như cây mộc lan đương tuần cao điểm trổ bông. Tôi vui quá! Sao tự nhiên quanh mình lại có người có thể xài tiếng Việt một cách đầy thận trọng và rõ ràng tới vậy?

Tôi chơi với Laica từ hồi mới 15 tuổi, lúc được xếp chung khoá tiếng Anh ở VUS. Laica lúc đó là học sinh lớp chuyên Hoá trường Lê Hồng Phong. Tất cả những gì anh thể hiện trên lớp bọn tôi ở VUS là một cậu bé có phần lặng lẽ, thích ngồi cuối lớp, ở góc có thể quan sát toàn bộ lớp học. Laica chỉ nói khi cần, cũng không phát biểu nhiều, giọng trầm đục nhưng nhỏ nhẹ. Vì thế tôi không có kí ức quá đậm nét về việc anh có nổi trội khoản ngôn ngữ hay không, dù là tiếng Anh hay tiếng Việt.

Sau này lớn hơn một chút, tôi tình cờ biết Laica có một chiếc blog cá nhân, viết xen kẽ tiếng Anh và tiếng Việt. Ấn tượng khi ấy trong tôi là sao một chàng trai học chuyên kĩ thuật, trông có vẻ khô khan và thật kiệm lời, lại viết được những dòng tự sự vừa mạch lạc vừa phong phú vốn từ tới thế. Thời gian đó Laica đã 19, 20, là sinh viên lớp chất lượng cao ngành Điện ở đại học Bách Khoa. Hiển nhiên thời gian anh tiếp xúc với tiếng Anh và từ vựng chuyên ngành đặc thù máy móc, phải nhiều hơn hẳn so với thời gian giao tiếp thường ngày. Đó là chưa kể, Laica vẫn dành vài buổi tối cố định trong tuần để học tiếng Pháp ở Idecaf.

Về sau, khi cả tôi và Laica đều cùng ở Mỹ, chúng tôi bớt liên lạc nhau nhiều, nhưng vẫn không quên thi thoảng cập nhật cuộc sống cho nhau biết. Laica tốt nghiệp Cử Nhân – Kĩ Sư Điện Tử ở Texas A&M. Sự nghiệp học hành cứ thế thăng cấp thuận lợi đến bậc Thạc Sĩ ở UCLA, và hiện thời là Nghiên Cứu Sinh Tiến Sĩ (Ph.D.) ở University of Washington, tất cả đều là cống hiến cho ngành Điện Tử, theo tôi biết thì là như vậy.

Với chừng ấy năm tháng ở Mỹ và bấy nhiêu thời gian dành trọn cho nghiên cứu – đặc biệt phải viết rất nhiều luận văn, lại sống xa gia đình và không thực sự ở gần nhiều người Việt, tôi không nghĩ khả năng tiếng Việt của Laica còn có chút nào mượt mà. Tôi chỉ ở Mỹ có 7 năm, mặc dù sử dụng tiếng Anh toàn thời gian, nhưng quanh tôi vẫn có một cộng đồng mini sinh viên Việt Nam, và đều đặn mỗi cuối tuần tôi vẫn dành ra trên 2 tiếng gọi về nhà. Thế mà lắm khi tôi vẫn bị khớp nặng khi nói chuyện với bố mẹ, có những câu, những từ nghĩ mãi cũng không nhớ nổi trong tiếng Việt phải nói làm sao. Vì thế mà ở vị trí của mình, tôi có nhiều lý do để tin rằng Laica không nói tiếng Việt nữa.

Giờ thì tôi biết mình lầm to!

Đợt cuối năm vừa rồi tôi làm bạn với anh Việt, chàng trai có lý lịch không khác Laica là bao, thậm chí có nhiều nét giống. Anh Việt yêu thích máy tính từ nhỏ, vào cái tuổi tôi còn chật vật mò ứng dụng Paint trên máy Window đời cũ thì anh “nói” thành thạo Pascal. Lên cấp 3, anh học chuyên Tin ở Phổ Thông Năng Khiếu, đến lúc sang Mỹ du học vẫn tiếp tục theo đuổi ngành Khoa Học Máy Tính. Sau đó nữa anh đậu vào Amazon, giờ thì làm việc cho Mercedes-Benz ở vị trí Kĩ Sư Phần Mềm. Có lẽ anh Việt nói ngôn ngữ máy tính còn nhiều hơn nói tiếng Việt hay tiếng Anh.

Tôi không chơi với anh Việt quá lâu, nhưng từ dạo quen nhau tới giờ chúng tôi nói chuyện với tần suất đủ nhiều để tôi biết kha khá về anh. Anh Việt đương nhiên không sống gần gia đình, vì là du học sinh. Laica đi Mỹ diện định cư còn không ở cùng gia đình nữa là. Theo lời anh Việt kể thì từ dạo tốt nghiệp và chuyển đến nơi ở mới để làm việc, vòng tròn bạn bè của anh hẹp lại rõ, người Việt anh quen ở thành phố anh sống bây giờ cũng không đông và quan hệ rất nông. Chưa kể, tôi không nghĩ xác suất anh quen được bạn hay đồng nghiệp là người Việt và nói nhiều tiếng Việt ở chỗ làm sẽ cao. Vì vậy, cũng như với Laica, tôi không có lý do để tin anh Việt nói tiếng Việt.

Nhưng sự thật là tôi cũng lầm nốt!

Anh Việt không những nói tiếng Việt rất mượt, mà nhiều khi còn rất văn, chuyện kể bao giờ cũng giàu hình ảnh, đôi lúc còn mang vào lời nói những ví dụ văn chương hồi đi học. Chẳng hạn như một lần nọ anh đề cập “Chiếc Hộp Pandora” để cảnh báo tôi về chuyện không phải cái gì cũng nên biết kẻo người chịu thiệt là bản thân mình. Xong một lần khác khi tranh luận chi tiết trong Hoàng Tử Bé, anh Việt trích dẫn lời của Nam Cao, là khi người ta đau chân thì chỉ có thể lo cho cái chân đau của mình. Có hôm quá bất ngờ vì cách anh Việt dùng tiếng Việt, tôi thốt lên: “Anh khai thật đi, ngày xưa anh giỏi Văn nhất lớp chuyên Tin phải không!?”

Tôi miêu tả chi tiết và dông dài như vậy, chủ yếu cũng chỉ để kết luận, chuyện sử dụng tốt tiếng Việt hoàn toàn không liên quan gì đến chuyên môn, tính cách, thói quen giao tiếp, hay khả năng viết văn. Cả Laica và anh Việt chưa từng khẳng định mình là những học sinh có khiếu văn chương. Từ thời đi học đến bây giờ, cả hai đều định vị bản thân là những con người của khoa học tự nhiên, và vẫn một lòng trung thành với con đường sự nghiệp đã chọn. Nhân loại vốn có những mặc định đầy phiến diện về những người theo đuổi các ngành kĩ thuật và công nghệ như Laica và anh Việt, như là khô khan, cục súc, cộc lốc, khan hiếm từ ngữ, phong cách nói chuyện dễ khiến người khác mích lòng. Người ta bảo đó là vì họ bầu bạn với chiếc máy tính quá lâu, sống hướng nội, ít nói, và hạn chế giao tiếp, nên không biết lịch sự hay có thái độ hoà nhã.

Tôi thì không cho là vậy. Đương nhiên phải có xu hướng hoặc sự phổ biến nào đó về cách dân kĩ thuật giao tiếp và sử dụng tiếng mà mọi người mới đi đến kết luận trên. Nhưng dù sao thì cũng không nên quy chụp cho tất cả, tôi nghĩ như thế, hoặc ít ra là mọi người làm trong lĩnh vực kĩ thuật mà tôi quen đa số đều không thuộc về sự mặc định như tôi vừa đề cập. Laica, anh Việt, thậm chí là Sam, đều ít nói và hướng nội, đôi lúc còn hơi “tẩy chay” xã hội, nhưng không ai trong số họ sử dụng tiếng của mình một cách thiếu nghiêm túc cả.

Việc người ta tiếp xúc với cái gì trong đa phần thời gian vốn không thể ảnh hưởng sâu sắc tới cách sử dụng ngôn ngữ, nếu họ có ý chí gìn giữ ngôn ngữ, mà cái này không thuộc về năng lực gì cả, nó thuộc về tư duy. Với tôi, việc dùng tốt tiếng Việt không nằm ở chuyện bạn nói dài hay ngắn, dùng nhiều kính ngữ, biết miêu tả hay so sánh một cách tượng hình, xài nhiều phép ẩn dụ. Nếu là học sinh chuyên văn, tôi đồng ý. Nhưng là một người giao tiếp bình thường, thì những điều đó không cần thiết. Bạn chỉ cần nuôi dưỡng tư duy rằng phải sử dụng tiếng của mình một cách cẩn thận, nói một câu đầy đủ chủ ngữ – vị ngữ, đúng chính tả, truyền đạt đủ ý, từ ngữ đơn giản nhưng có sự tôn trọng. Vậy là đủ rồi.

Từ lúc tôi và Laica chơi với nhau đến giờ là 15 năm. Những lúc chúng tôi trao đổi, kể cả khi hỏi bài ngắn gọn, chat chit trẻ trâu tầm phào vài câu, thì Laica cũng chưa một lần nói năng cụt ngủn hoặc dùng từ ngữ kém duyên. Tệ hơn là mấy lúc chúng tôi cãi nhau bể cả địa cầu, anh cũng không dùng lời lẽ để công kích cá nhân nhằm giải toả cơn thịnh nộ. Đỉnh điểm có lần cách đây hơn 10 năm, trong lúc cái con người bốc đồng và thiếu chín chắn của tôi đang mạt sát Laica một cách đầy hỗn hào, anh dù bốc hoả ngùn ngụt vẫn rất điềm tĩnh đáp trả: “Có lẽ vì tôi đã rất dễ chịu trong cách ứng xử và xưng hô, mà em quên mất là tôi lớn tuổi hơn em đúng không?”. Và ouch, cái câu đó quả thực đâm một nhát chí mạng vào tim tôi, khiến cái tôi cao vời vợi và niềm kiêu hãnh ngút ngàn của mình sụp đổ tuyệt đối, vỡ nát thành hàng triệu mảnh không cách gì góp nhặt lại được. Không bàn đến lời lẽ nhẹ nhàng nhưng sắc bén cỡ nào, thì tôi đã hoàn toàn khuất phục, bởi ngay cả lúc khó lòng giữ bình tĩnh và kiểm soát lời nói nhất, thì Laica vẫn không để cảm xúc cá nhân lấn át và bạo lực ngôn từ có cơ hội xâm chiếm. Sự giận dữ bủa vây là thế, anh vẫn kịp dạy cho con nhỏ láo toét là tôi một bài học nhớ đời, chỉ bằng một câu nói trơn tru từ ngữ pháp, đúng chính tả tới từng chữ, mà không hề công kích, đặc biệt là không tiêu cực, không độc hại!

Laica hay anh Việt, đều không vin vào việc mình là con người kĩ thuật mà tự cho mình quyền được dễ dãi với tiếng Việt. Khi hàng triệu người Việt ở Việt Nam bây giờ vô tư cho phép bản thân nói xen kẽ từ tiếng Anh vào câu tiếng Việt quá đà và thiếu chừng mực, thì những người như Laica và anh Việt đều cố gắng nói trọn vẹn một câu tiếng Việt ra tiếng Việt, kể cả từ chuyên ngành đều dịch ra tiếng Việt, trừ phi nó quá đặc trưng tới mức tiếng Việt buộc phải mượn. Ví dụ như cách đây vài bữa tôi có xem trích đoạn chương trình Cơ Hội Cho Ai, toàn bộ giám khảo đều mắc cái lỗi ngớ ngẩn này, và nó khó chịu đến độ khi mà có người thậm chí còn ung dung bảo ban thí sinh rằng: “Em cố gắng add thêm value vào CV của mình”. Tôi thấy rất bực bội. Có vấn đề gì với câu: “Em cố gắng tăng thêm giá trị cho hồ sơ của mình” chứ? Đấy là tôi còn chưa muốn bàn việc dùng chữ “CV” của người Việt thật sự là một lỗi quá nghiêm trọng. Bởi vì CV là từ dùng để miêu tả toàn bộ lịch sử học tập và hàn lâm của một người, bao gồm những bài luận và nghiên cứu đã hoàn thành, nên một chiếc CV có thể dài không giới hạn. Còn Resumé được sử dụng để cô đọng trình độ học vấn, kĩ năng, kinh nghiệm làm việc của một người trong quá trình xin việc. Vì thế Resumé mới là một từ chính xác trong trường hợp này.

Tôi cũng nghe không ít người nói với mình rằng vì họ là dân chuyên máy tính, giao tiếp không phải là thế mạnh, nên chuyện họ nói năng cộc lốc và thái độ có phần cục súc là bình thường. Tôi không thể chấp nhận được điều này. Bạn không nhất thiết phải diễn đạt ý tứ bằng một câu văn vẻ với từ ngữ hoa mỹ, nhưng ít nhất sự nghiêm chỉnh của bạn trong cách nói hay viết ra một câu sẽ thể hiện bạn lịch sự và tôn trọng người nghe đến đâu, trước khi ai đó đánh giá tiếng Việt của bạn tốt hay tệ. Tôi thấy là dùng đủ đại từ nhân xưng trong bối cảnh giao tiếp, nói một câu hoàn chỉnh, ít cụt nhất nếu cần, giả sử “em đã thử cách abc này chưa?” thay vì “thử cách abc này chưa?”, là đã tốt rồi!

Kể cả lần Sam nỗ lực học tiếng Việt để về ra mắt gia đình tôi cũng vậy. Khi anh nói anh muốn có thể chào tất cả người nhà em bằng tiếng Việt, tôi đã chú tâm dạy anh rằng anh cần chào bằng một câu đầy đủ chủ – vị vì ít nhất đó là cách người lớn ở Việt Nam cảm thấy mình được tôn trọng. Và thế là “Con chào ông”, “Con chào bà”, “Con chào chú”, “Con chào cô”, “Anh chào em” đều được Sam nhớ nằm lòng. Cũng vì lẽ này một phần, mà mọi người trong gia đình tôi, lớn nhỏ đều âm thầm thương Sam và dành cho anh một sự trân quý nhất định, dù chúng tôi đã không còn bên nhau nữa. À, và Sam cũng là Kĩ Sư Phần Mềm, là dân IT chính chuyên, đang làm việc tại Google.

Phong cách nói chuyện của Laica và anh Việt có thể không giống nhau, anh Việt có thể nói năng ngọt ngào và mềm mại hơn Laica chút đỉnh, nhưng chung quy cả hai anh đều rất chỉn chu khi sử dụng tiếng Việt. Dĩ nhiên tôi không nói Laica và anh Việt là hai người duy nhất tôi biết mà có năng lực dùng tiếng Việt tốt. Các chị em Team Sáng Tạo Nội Dung của tôi ở GA đều dư sức làm việc này. Nhưng ý tôi ở đây là hai anh đều có nhiều hơn 10 năm theo đuổi lĩnh vực công nghệ, khoa học, và kĩ thuật – tính chất công việc đều là tiếp xúc với máy móc nhiều hơn tiếp xúc với người, đều sống, học tập và làm việc ở Mỹ hơn 10 năm, thời gian nói tiếng Việt thực sự rất ít, mà vẫn duy trì được khả năng sử dụng tiếng Việt ở mức ổn áp thế này, tôi thật lòng không thể không ngưỡng mộ.

Cái hồi tôi háo hức làm một bài thuyết trình cho anh Việt về cái phát hiện siêu vĩ đại này của mình, mà minh chứng cụ thể là chính anh Việt và Laica, anh Việt cười:

“Anh mừng là có người giống anh, tại vì để nói toàn bộ bằng tiếng Việt thật sự rất mệt não.”

Ở vị trí của anh Việt và Laica, tôi hoàn toàn hiểu được vì sao nói tiếng Việt “rất mệt não”. Bởi vì 3 đứa chúng tôi, những đứa con đi học lâu năm ở xứ cờ hoa, dùng tiếng Anh 24/7, và tuyệt đối không có kĩ năng của một thông dịch viên, thì chuyện giây trước đang nói rành rọt một ngôn ngữ, mà giây sau phải chuyển qua một ngôn ngữ khác mà vẫn cần trôi chảy và chỉn chu, chẳng khác nào gây khó dễ, dù cho đó có là tiếng mẹ đẻ. Chúng tôi rõ ràng rất dễ sa đà vào, ví dụ: “Tôi hoàn toàn agree với cái point của bạn. Nó makes sense đó chứ!”. Nhưng, để đạt được: “Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của bạn. Nó hợp lý đó chứ!” lại cần rất nhiều nỗ lực và kỉ luật.

Bởi vậy nên tôi tin là anh Việt và Laica rõ ràng biết thương tiếng Việt, và nghiêm túc dành cho tiếng Việt một sự tôn trọng lẫn trân trọng rất cao. Đôi lúc tình yêu dành cho tiếng Việt đơn giản chỉ cần bạn dành đủ sự cẩn thận và tôn trọng cho nó mà thôi. Mà chỉ cần bạn giữ vững thái độ vừa cẩn thận vừa tôn trọng, và một tư duy không dễ dãi với tiếng mẹ đẻ của mình, thì tự khắc bạn sẽ biết nỗ lực và kỉ luật trong cách sử dụng nó.

———-

  • Nếu bạn lướt qua bài viết này vô tình hoặc hữu ý, và có đủ kiên nhẫn để đọc tới cuối, bạn sẽ thấy tôi đã cố gắng gọi tên mọi từ chuyên ngành bằng tiếng Việt. Tôi thấy tên của những từ này trong tiếng Việt hay mà, cũng đâu dài hơn tiếng Anh, sao mình không dùng thường xuyên hơn? Ví dụ Software Engineer hay Kĩ Sư Phần Mềm thì cũng có số lượng âm tiết nhiều, thậm chí Software Engineer có số lượng âm tiết còn nhiều hơn Kĩ Sư Phần Mềm.
  • Đây là một bài viết thể hiện quan điểm cá nhân về tiếng Việt, cũng như quá nóng lòng muốn khoe tôi có hai anh bạn kĩ sư xịn sò và biết yêu thương tiếng Việt. Bài viết hoàn toàn không có ý công kích bất kì ai. Bản thân tôi đi làm vẫn sẽ linh hoạt theo mọi người, chẳng hạn tôi vẫn dùng từ Content thay vì Nội Dung, mở đầu email vẫn xài “Dear” mặc dù cái này tôi cũng từng hỏi anh sếp của mình ở công ty cũ là vì sao người Việt không thay được “Dear” bằng một từ tiếng Việt.
  • Tôi nghĩ điều lớn lao nhất góp phần vào việc sử dụng tiếng Việt rất tốt của Laica và anh Việt là dù không mê học văn thì hai anh đều thích đọc sách, và đọc khá nhiều, những cuốn đọc hồi nhỏ cũng toàn là sách văn học. Bởi vậy tôi nghĩ không thể lấy lý do làm việc nhiều với máy tính hay ngôn ngữ lập trình để biện hộ cho sự lười đọc sách văn được. Sách văn có thể không liên quan một phần trăm nào tới chuyên ngành của bạn, và cũng không thực sự bổ sung kiến thức chuyên môn gì, nhưng nó âm thầm khơi mở tâm hồn và cải thiện kĩ năng sử dụng tiếng của bạn ngay khi bạn không ngờ nhất, và điều đó thì tốt chứ sao!
  • Anh Việt không dễ dãi với tiếng Việt nhưng rất dễ tính với tôi. Tôi chỉ cần xin phép cho anh lên sóng trong bài viết là anh liền “em cứ đăng đi”. Ý là tôi đã có sự cho phép của anh Việt rồi. Tuy vậy, tôi không hề hỏi xin Laica rằng có thể viết về anh ấy hay không. Tôi nghĩ Laica bận làm nghiên cứu bù đầu rồi, không có thời gian lướt Facebook, càng không có thời gian để đọc hết bài. Vậy nên Laica thương mến, nếu có trót đọc tới những dòng này thì hãy hoan hỷ bỏ qua, bởi vì ở cái cõi blog này vốn không ai “chỉ mặt đặt tên” bạn cả, mà tôi thì đâu có dòng nào chê bai hay nói xấu bạn đúng không, toàn khen đó chứ?
  • Quên mất, cái bữa tôi phấn khích quá đỗi vì câu chuyện tiếng Việt, anh Việt hỏi: “Vậy giờ anh nói Tiếp Thị thì có ai hiểu không? :)))”“Có em hiểu là được rồi nè :)))”. Ừ, nhưng mà từ “Tiếp Thị” nghe không sang bằng “Marketing” nha anh ơi. Hihi.
Angelique - Uyên Võ, Sài Gòn, ngày 1 tháng 5 năm 2024

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *