“Mình gặp nhau khi mùa hoa nở nhé?”

Vườn anh đào ở Japanese Garden bên trong Buffalo’s History Museum

Bước qua miền kí ức lần nữa thật không dễ dàng gì, nhưng tôi vừa làm thế cách đây vài giờ đồng hồ lúc lôi mớ dụng cụ arts & crafts từ hồi 2016 ra để trang trí mũ tốt nghiệp. Tôi sắp dọn đi, và trong nhà cất vài thùng đồ cũ giống vậy, lâu rồi không đụng vào, phần nhiều là những kỉ niệm rất sâu sắc về Sam.

Tôi có con búp bê Mulan mua đợt Disney Store đại hạ giá đồ chơi nhiều năm trước. Lúc hoàn thành bậc cử nhân, Sam tặng tôi một căn Barbie Dream House cơ bản với đầy đủ tiện nghi, thế là hoàn thành ước mơ có một ngôi nhà búp bê, và Mulan thì có một “cơ ngơi”. Giai đoạn tôi tìm việc stress đỉnh cao, có mấy hôm Sam chở ra Target sắm cho Mulan vài đôi giày, đâu đó $3 một túi 5 6 đôi, mua được cả tuổi thơ và vài khoảnh khắc hồn nhiên không có áp lực. Bữa nào không chơi với Mulan nữa, Sam lại dẫn đi mua một hộp jigsaw puzzle 2000 miếng về xếp cho quên cơn sầu một ngày nhận liên tục chục email từ chối. Mấy món đồ chơi tầm xàm đưa tôi về những đêm tĩnh mịch trầm mặc 5 năm trước, khi cái buồn lãng đãng không tên phủ một màu u ám lên tất thảy cuộc sống chán chường ở thành phố Buffalo này, tôi thấy dưới ánh đèn vàng mờ tối trong căn hộ 309 khi ấy, có tôi nhẫn nại rải đi từng chiếc đơn xin việc, trong khi Sam ngồi trên sofa say sưa xem từng chiếc video lập trình với 1001 kiểu thuật toán tôi đã từng từ chối hiểu (mà bây giờ lại khao khát được hiểu). Tiếng TV đều đều lan toả trong không gian tạo thành một thứ background noise gây nghiện. Hai chúng tôi mỗi đứa một việc, im lặng mà làm, lâu lâu quay sang khẽ chọt chọt đứa còn lại nếu chán. Sự bình yên dễ chịu đến khoan khoái này đã có lúc khiến tôi sẵn lòng ở luôn trong đấy nếu cuộc đời không sang trang.

Những khung cảnh như vậy cứ từ tốn tua đi tua lại trong trí nhớ như một thước phim chầm chậm quay qua một thời lắm khốn khó xen lẫn dịu dàng. Đoạn đường thăng trầm và lao đao chỉ có tôi và Sam đi cùng nhau là một loại dĩ vãng đau thắt tim. Mưa đã rơi không dứt từ ban trưa. Tôi lặng lẽ ôm đống dụng cụ lên phòng, bỗng chốc thấy nhớ Sam và những di sản anh ấy để lại trong đời mình.

“Mashi này, tới bây giờ thì câu trả lời em đã dành ngần ấy năm tháng đi tìm có lẽ đã rõ ràng rồi. Em sẽ về Sài Gòn anh ạ, chưa biết bao giờ mới có dịp quay lại đây. Trước khi em đi, có thể nào lên thăm em không?”, tôi nhớ phải khó khăn lắm mới gửi đi một tin nhắn cho Sam hồi tuần trước, tôi không đủ can đảm để thông báo cho anh về sự ra đi của mình. “Anh nghĩ thứ bảy anh ghé được. Anh rất tiếc khi việc không thành. Tình hình kinh tế chỉ đang rất tệ thôi, em đừng buồn.”. Những nỗ lực và nước mắt tôi vắt cạn để chinh phục ước mơ cùng nỗi ê chề lẫn mùi vị cay đắng của sự thất bại, tôi biết chỉ một mình Sam hiểu.

Vậy là chúng tôi gặp lại nhau vào thứ bảy tuần trước, và có lẽ là lần cuối cùng trong rất nhiều năm tháng sau này. Sáng hôm đó tôi có họp nhóm giải case study Business Analytics để hoàn thành poster dự thi. Tôi thông báo tầm 4 giờ phải đi gặp một người bạn cũ và sẽ quay lại nếu mọi người vẫn còn làm việc trên trường. Kevin không ngừng tò mò về “người bạn cũ” nọ, tôi không định kể chuyện tình bi đác làm chi nhưng một chút tóm tắt về việc chúng tôi đã dating bao lâu và chia tay trong tình cảnh nào cũng không có gì nguy hại. “Just like you, Kevin, he’s a com-sci guy. He’s now working for Google as a software engineer. He’s so cool, isn’t he?”. Bạn biết đấy, kể về người cũ bằng tất cả tự hào nghe thì rất kì, nhưng tôi thấy kì cục hơn nhiều nếu người cũ là kẻ khiến bạn phải thốt lên lời cay nghiệt. Mà Sam lại còn là một người yêu cũ tử tế, tới mức các bạn tôi sau khi chứng kiến hành trình của chúng tôi năm ấy, đến giờ vẫn dành cho Sam một sự trân trọng nhất định, mỗi khi có dịp hội ngộ, như một thói quen các bạn đều hỏi anh Sam dạo này sao rồi chị, anh ấy có khoẻ không? Và điều đó làm tôi cảm kích nhiều hơn là tủi thân.

Còn nhớ một ngày gần cuối tháng 4 lúc còn làm việc ở Golden A, nhận được tin nhắn Sam báo đã có người mới, tôi sốc đến hoá đá, tim não tê cứng lại. Sò ngồi đấu lưng với tôi cũng chỉ dám thả nhẹ dòng tin: “Nếu chị chịu không nổi nữa, hay xin về sớm đi. Việc gì chưa làm có thể chia bớt cho em.” Nhưng tôi không thể thiếu chuyên nghiệp như vậy. Tôi gồng mình trong đau đớn, cố hoàn thành nốt những content dở dang mà thấy như sắp không thể thở được nữa. Giá mà thét lên được, giá mà cho nổ tung được địa cầu để vơi đi. Thế mà tôi chỉ đủ sức nghẹn ngào với chị Trà rằng: “Cái khoảnh khắc đọc tin nhắn, em đã ước gì anh ấy nói anh ấy quen người mới trước khi chia tay em. Để em bàng hoàng nhận ra con người này tồi tệ biết nhường nào, thì có lẽ em sẽ hết yêu anh ấy ngay tắp lự, không luyến tiếc, không đắn đo, càng chẳng có gì để đau khổ.”“Nhưng như thế thì sau này nhớ lại, em sẽ tiếc nuối nhiều hơn về quãng đời mình đã dành cho một người không đúng.” Bây giờ thì tôi tin lời chị Trà.

Chiều hôm đó chúng tôi ghé một tiệm Việt Nam để Sam ăn bánh mì. Một trong những món ăn có khả năng làm Sam vui lên tức thì là bánh mì ốp la. Hồi Sam ở Sài Gòn 2 tuần, sáng nào cũng mua 1 ổ bánh mì ốp la ngay bên dưới căn airbnb, tất cả vốn tiếng Việt Sam có khi ấy chỉ vỏn vẹn “Một bánh mì trứng – Hai mươi”. Chúng tôi không có quá nhiều thứ để chia sẻ trong lúc ăn, cơ bản vì đứa nào cũng đang trong trạng thái rất ổn dù không phải việc gì đang diễn ra cũng vui. Sam ngoài giờ làm thì đang thực hiện một dự án cá nhân, anh xây dựng công cụ gì đấy để hỗ trợ các developer làm việc hiệu quả hơn và không có ý định bán lấy tiền. Tôi có thể không may mắn trong chuyện tìm việc làm, nhưng bù lại đã thành công dứt khỏi mối quan hệ cũ đầy độc hại, đang rất say mê với chiếc case study Business Analytics, và ý thức rất rõ mình đang chiến đấu trong sự hạnh phúc bằng tinh thần của một con đại bàng. Cuộc chiến năm xưa có thể tôi đã vì người khác hơn là vì mình, nhưng hôm nay cuộc chiến này chỉ có tôi và nước Mỹ, nên có gục ngã thì vẫn ngẩng cao đầu. Và nếu có điều gì buồn nhất trong sự bại trận, thì đó là tôi sẽ để lại bên bờ đại dương này những người mình yêu bằng tất thảy tuổi 20 – Sam, Palak, Kelley, Mackenzie, Victoria, Father Maher, cô Maritza, cô Sarina, Dr. Ireland, Dr. McNab, Professor Allegre, Dr. Caruso, v.v… – những người mà vì họ mới có tôi ngày hôm nay. 

Càng về chiều, nắng lên càng cao. Buffalo hôm ấy bỗng thuỳ mị lạ thường. Mấy cây mộc lan trổ bông hồng trắng khắp nơi, tự nhiên khi không có sự sống thầm lặng trỗi lên ở thành phố ngủ quên thường niên này, làm tim tôi trong giây phút vỡ oà vì bất ngờ. Tôi biết mình sắp rời xa nơi đây, nhưng không buồn vì cảm thấy hành trình này đến đó là đủ đầy. Dù vậy bất chợt tôi nghĩ nhỡ đâu về sau có một ngôi nhà ở bờ Đông nước Mỹ, tôi sẽ muốn trồng trước sân một cây mộc lan để năm nào cũng được nhìn thấy mùa xuân. Thế rồi trong một khoảnh khắc không hẹn mà gặp, tôi lướt thấy bài đăng trên Facebook về lễ hội hoa anh đào ở Japanese Garden bên trong Buffalo’s History Museum. “Chúng ta có thể tấp vào đó một chút nếu em muốn, Choco!”. Để rồi khi chúng tôi bước vào vườn anh đào lộng lẫy như một giấc mộng kia, tôi không ngăn nổi sự xúc động dào dạt trào lên trong lòng, và thước phim lại quay chậm về những ngày tháng 4 tôi nắm tay Sam đi dọc hàng anh đào bên bờ hồ Tidal Basin ở Washington DC. Có những niềm hạnh phúc trong veo như là cây anh đào nở hoa.

Và nó như củng cố thêm điều tôi đã nghĩ và viết về việc nhìn thấy hoa anh đào trong chiếc post năm ngoái, rằng cần một cái duyên để được chiêm ngưỡng loài hoa này, rằng bạn cần tới đúng nơi, vào đúng thời điểm, và đi với đúng người. Lần đầu ngắm hoa anh đào ở thủ đô, tôi và Sam ở bên nhau. Lần sau tôi cố ý dẫn người yêu cũ đến thủ đô để bạn được nhìn ngắm vẻ đẹp của hàng anh đào nơi đây thì hoa đã rụng sạch vì trời ấm lên quá nhanh. Lần này, tôi không cố ý sắp đặt, cũng chẳng dám mơ ở Buffalo lại ẩn giấu một nơi có vườn anh đào đẹp như tranh, thì loài hoa này lại đến thật tình cờ trong buổi hẹn cuối cùng của tôi và Sam. Cái duyên lành ấy, tôi muốn giữ nó mãi mãi bên mình.

Tôi bất giác nhớ tới bài hát Sau Này, Hãy Gặp Lại Nhau Khi Hoa Nở của Nguyên Hà. Tôi nghĩ không phải tự nhiên mà đâu đó trong thi ca âm nhạc người ta hay nhắc về cuộc hội ngộ ở nơi chốn định mệnh. Mọi chuyện xảy ra đều có lý do hết cả. Như ngày Laica rời Việt Nam vào 8 năm trước, tôi ngẫu nhiên đọc được một câu của Rumi: “Somewhere beyond right and wrong, there is a garden. I will meet you there.”, để rồi khi gửi cho Laica câu đó trong tin nhắn tạm biệt cuối cùng, tôi đã không bao giờ ngờ được tròn một năm sau tôi đã gặp lại Laica ở ngôi trường anh học, ngay trên xứ cờ hoa. Vậy nên nếu mọi cuộc hội ngộ đều nên diễn ra trong hân hoan và hạnh phúc, dù có là niềm hạnh phúc ồn ào hay nỗi hân hoan thầm kín, thì có phải nó cũng nên diễn ra ở một nơi xinh đẹp không? Tôi tin mọi cuộc hội ngộ đều đẹp đẽ, và nếu bạn đủ may mắn để gặp lại ai đó bạn đã chờ rất lâu để gặp, ở cái nơi mà sau này bạn biết nếu không phải là nơi đó thì bạn chắc chắn không thể gặp lại họ ở nơi khác, thì bạn đã gặp đúng người, ở đúng nơi, khi thời khắc chín muồi. Như rằng tôi đã gặp lại Sam vào mùa hoa nở, gặp lại Laica ở sân trường đại học, hay như lần đó đã gặp lại người bạn US Navy ở Cali dọc bờ biển La Jolla khi mặt trời đang chìm dần vào mặt nước.

Sam lái xe đưa tôi về nhà. Cái nắng tầm 7g chiều rọi rực rỡ trên miền biên giới. Lòng tôi ngân nga mấy câu hát mùa xuân êm dịu. Vậy là 6 năm kể từ ngày con bé sinh viên Việt Nam 23 tuổi gặp chàng lính Mỹ 26 vừa giải ngũ về làm Web Developer. Cuộc đời đã rẽ chúng tôi sang hai hướng khác nhau, qua rất nhiều chông chênh và gập ghềnh, tới cuối đều là hạnh phúc dẫu theo những cách rất riêng. Chúng tôi không hứa hẹn sẽ gặp lại nhau, chỉ hứa vẫn tiếp tục hạnh phúc thế này. “I was worried about you before. I’m proud of you for working through that. I know your situation is frustrating but I think you have a good mindset on it now and that makes me happy. We’ll still see each other, Choco! I love you.”

Angelique - Uyen Vo, Niagara Falls, NY, April 29th 2023

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *